Thành viên
Liên kết thư viện
Hỗ trợ trực tuyến
Đăng nhập skype hoặc Yahoo Messenger để nhận hỗ trợ trực tuyến:
Thống kê truy cập
Đang online
Khách: 2
Thành viên: 0
Tuần này
Khách: 60,034
Thành viên: 45
Tổng số
Khách: 2,499,706
Thành viên: 31,697

Quyền tác giả trong hoạt động sao chép và số hoá tài liệu tại thư viện các trường đại học

Đăng ngày: 17/11/2020; 20 lần đọc. In trang Quay lại
Đặt vấn đề
 
    Quyền tác giả (QTG) là một trong những nội dung quan trọng của Quyền Sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, do đó tác giả, chủ sở hữu được độc quyền khai thác tác phẩm, chống lại các hành vi xâm phạm.
 
    Hiện nay, thư viện (TV) thực hiện hầu hết các hoạt động liên quan đến QTG, có thể kể đến như tạo lập, phát triển, khai thác và chia sẻ nguồn lực thông tin… Trong đó, sao chép và số hoá là hoạt động được TV thực hiện thường xuyên và phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật về QTG. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng những quy định pháp luật về QTG tại các TV còn gặp nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày về hoạt động sao chép, số hoá tại TV các trường đại học hiện nay dựa trên những quy định về QTG theo pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
 
1. Những quy định pháp luật về sao chép tài liệu trong các thư viện
 
1.1. Quy định pháp luật trong hoạt động cung cấp bản sao tài liệu và số hoá tại Việt Nam
 
1.1.1. Hoạt động cung cấp bản sao tài liệu
 
    Theo Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006, quyền sao chép là quyền của chủ sở hữu độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Theo đó, bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Về nguyên tắc, chủ thể khi thực hiện quyền này phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra ngoại lệ đối với trường hợp “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” [4]. Trong TV trường đại học, bên cạnh đối tượng sử dụng là sinh viên, học viên, giảng viên tại trường, TV còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người sử dụng (NSD) là đối tượng bên ngoài, bao gồm NSD của các đơn vị khác hoặc người nghiên cứu độc lập, chính vì thế hoạt động sao chép được thực hiện một cách khá phổ biến, là cách dễ dàng nhất để những đối tượng trên tiếp cận được tài liệu muốn nghiên cứu. TV tạo điều kiện cho NSD sao chép tài liệu dưới những hình thức như sao chụp từ máy photo, điện thoại thông minh, máy quét, sao in từ máy tính, cơ sở dữ liệu. Trong hoạt động này, TV cần tuân thủ những quy định hiện hành về vấn đề sao chép. Hiện nay, một số TV chưa thật sự chú trọng đến bảo hộ QTG khi cung cấp dịch vụ sao chép và cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này [7,9,11]. Tuy nhiên, đã có nhiều TV nghiêm túc từng bước đẩy mạnh thực thi bảo hộ QTG trong hoạt động này như: Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM); Đại học Hoa Sen; Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM; Đại học Y tế công cộng; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Tp. HCM…
 
    Dựa trên những quy định pháp luật về bảo hộ QTG, mỗi TV có quy định riêng về hoạt động sao chép. Đa số TV áp dụng dịch vụ cung cấp bản sao tài liệu bằng cách cho phép sao chép từ 10-30% của tài liệu, hoặc một chương của tài liệu nếu tác phẩm có từ hai chương trở lên, một bài tạp chí trong một số hoặc một bản sao đầy đủ. Tham khảo quy định tại một số TV đại học ở Việt Nam như: Trung tâm Học liệu Huế cho phép sao chép 10% trên tổng số trang tài liệu cho mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu và NSD tự thực hiện hành vi sao chép bằng các máy photo đặt tại TV [8]; TV Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. HCM  khuyến cáo “tham khảo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam để tránh vi phạm bản quyền khi sao chép tài liệu” và NSD tự sao chép tài liệu tại phòng đọc, phương thức sao chép bằng cách sử dụng tiền xu và tài khoản cá nhân để tiến hành sao chép cho mục đích học tập, giảng dạy và nghiên cứu; Trung tâm Thông tin - TV, trường Đại học Luật Tp. HCM cho phép sao chép 15% trên tổng số trang tài liệu cho đối tượng là sinh viên phục vụ cho mục đích học tập, toàn bộ một bài viết trong một số của một tạp chí; một chương hay toàn bộ tài liệu nếu NSD chứng minh được mình là giảng viên, người nghiên cứu, học viên cao học… kèm theo bản cam kết theo mẫu của TV và các quy định của pháp luật về QTG. Bên cạnh đó, TV còn tiến hành kiểm tra minh chứng về việc sử dụng tài liệu có đúng với mục đích đã cam kết từ trước không, bằng cách đối chiếu tài liệu photo với bản cam kết mà NSD đã đăng ký [5]; Trung tâm Thông tin - TV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép NSD được sao chép 30% trên tổng số trang tài liệu cho mục đích học tập, giảng dạy và nghiên cứu [3], NSD khi yêu cầu sao chép tài liệu phải khai vào tờ “phiếu yêu cầu cung cấp tài liệu” theo mẫu của TV, trong đó quy định rõ việc NSD phải cam kết tuân thủ quy định pháp luật về bản quyền quốc tế và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam [10]. Như vậy, quy định về cung cấp bản sao tài liệu giữa các TV không có sự đồng nhất với nhau, hơn nữa đối tượng sử dụng TV không chỉ có mục đích nghiên cứu, giảng dạy mà còn mục đích học tập cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép sao chép đối với mục đích nghiên cứu, giảng dạy, mà không cho phép sao chép nhằm mục đích học tập cá nhân, làm hạn chế việc cung cấp bản sao tài liệu trong TV. Nhìn chung trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu học tập rất lớn của sinh viên, học viên… TV vẫn cho phép sao chép một tỷ lệ nhất định đối với mục đích học tập.
 
    Thuật ngữ “tự sao chép” không được định nghĩa trong Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định “tự sao chép một bản áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại”. Vì không có định nghĩa chính thức nào về “tự sao chép”, TV hiểu thuật ngữ này theo hai cách khác nhau [5]: thứ nhất, “tự sao chép” là phải tự mình thực hiện hành vi đó; thứ hai, “tự sao chép” là NSD tự mình đem tác phẩm tới cơ sở photocopy để nhờ sao chép. Trên thực tế, đa phần TV chọn cách hiểu thứ hai để thực hiện việc sao chép, NSD yêu cầu TV sao chép hộ rồi trả phí. Trong trường hợp này, TV chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê mực, giấy, máy, kèm theo các quy định riêng của từng TV. Tuy nhiên, một số TV chọn cách hiểu thứ nhất, TV tiến hành đặt máy photo tại phòng đọc để NSD tự sao chép thông qua tài khoản cá nhân (chỉ tính phí cho thuê máy, giấy, mực) và chịu trách nhiệm về hành vi sao chép của mình nếu xâm phạm QTG [8].
 
1.1.2. Hoạt động số hoá
 
    Số hoá là việc thay đổi định dạng, phương thức thể hiện của tài liệu. Số hoá trong hoạt động TV giúp chuyển tài liệu in truyền thống như sách, báo, tài liệu xám… sang dữ liệu số dưới nhiều định dạng để phục vụ cho mục đích lưu trữ và phổ biến thông tin tới NSD. Theo quy định pháp luật, TV được phép sao chép tác phẩm để lưu trữ với mục đích nghiên cứu, không quá một bản; TV không được phép sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng kể cả bản sao kỹ thuật số [4,6]. Như vậy, TV có quyền sao chép một bản sao để lưu trữ trong TV nhằm mục đích nghiên cứu, trong trường hợp khác TV có thể làm bản sao để lưu trữ đối với tài liệu bị hư hỏng, tài liệu quý hiếm, tài liệu không còn bán trên thị trường. Quy định này không nêu rõ việc TV được phép sao chép một bản sao truyền thống hay bản sao kỹ thuật số hoặc được phép làm bản sao dưới cả hai dạng thức trên. Trong trường hợp này, TV có thể sao chép không quá một bản dưới cả hai hình thức truyền thống và kỹ thuật số với mục đích lưu trữ phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy của cá nhân. TV thực hiện đồng thời việc sao chép và phân phối tác phẩm tới công chúng kể cả bản sao truyền thống và kỹ thuật số ngoài mục đích nêu trên đều xâm phạm QTG [4,6].
 
    Hầu hết TV đại học ở Việt Nam đều tiến hành hoạt động số hoá theo mức độ ưu tiên. Các tài liệu nội sinh, tài liệu xám như: kỷ yếu hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học, báo cáo chuyên đề, luận văn, luận án, giáo trình, bài giảng, bài phát biểu, tạp chí… luôn là đối tượng được ưu tiên số hoá. Thông thường, TV thu thập tài liệu bằng cách nhận lưu chiểu khi người học, người nghiên cứu thực hiện xong công trình nghiên cứu của mình (bản cứng và bản mềm) cùng với bản cam kết cho phép TV lưu trữ và phổ biến tài liệu kể cả hình thức điện tử, nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
 
    Đối với tài liệu chưa giải quyết được vấn đề QTG, TV không thực hiện việc số hoá, trừ trường hợp tác phẩm bị hư hại, quý hiếm cần số hoá để lưu trữ bảo quản. Để số hoá tác phẩm có bản quyền, TV tiến hành xin phép trực tiếp tác giả, chủ sở hữu. Mặt khác nếu trong trường hợp không thể liên hệ được với tác giả, chủ sở hữu, TV sẽ liên hệ tổ chức tập thể QTG đứng ra làm trung gian trong việc cấp phép số hoá và TV sẽ trả phí. Hiện nay, ngoài tài liệu nội sinh được TV số hoá ưu tiên hàng đầu, TV cũng tiến hành mua cơ sở dữ liệu, sách điện tử có bản quyền để dễ dàng sử dụng.
 
    Đối với tài liệu số hoá và cơ sở dữ liệu, TV đưa ra những quy định về sao chép riêng. NSD được cấp tài khoản truy cập vào TV số hoặc cơ sở dữ liệu, tuỳ từng trường hợp NSD được đọc toàn văn, tải về một phần hoặc toàn bộ tác phẩm số hoá, được tải dữ liệu lên kho số… Tại Việt Nam, TV cho phép đọc toàn văn, không cho tải về, không phải trả phí, quy định này có thể tham khảo tại một số TV như: TV trường Đại học Luật Tp. HCM, Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, Đại học Sư phạm Tp. HCM, Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM… TV cho phép đọc toàn văn, tải về, tải lên tài liệu, các nhóm NSD này sẽ phải trả một khoản phí nhất định, có thể miễn phí đối với sinh viên, cán bộ, giảng viên của trường, có thể tham khảo tại Trung tâm Thông tin - TV Đại học Quốc gia Hà Nội [3].
 
1.2. Quy định trong hoạt động số hoá và cung cấp bản sao tài liệu tại một số quốc gia
 
1.2.1. Vương quốc Anh
 
* Hoạt động cung cấp bản sao tài liệu
 
    Những vấn đề về bản quyền tại Anh được quy định trong Đạo luật bản quyền, Thiết kế và sáng chế năm 1988, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật Bản quyền 1988).
 
    Theo Luật Bản quyền 1988, nguyên tắc “fair dealing” (đối xử công bằng) được ghi nhận, cho phép tổ chức, cá nhân sao chép có giới hạn tác phẩm được bảo hộ bản quyền mà không cần xin phép và không xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Nguyên tắc “fair dealing” không được định nghĩa một cách cụ thể, tuy nhiên có thể hiểu “fair dealing” là thuật ngữ pháp lý được sử dụng để xác định việc sử dụng tài liệu có bản quyền hợp pháp hay không hoặc có vi phạm bản quyền không [12].
 
   Điều 29 và Điều 30 Luật Bản quyền 1988 quy định nguyên tắc đối xử công bằng cho mục đích nghiên cứu phi thương mại, học tập cá nhân, những bình luận, nhận xét, báo cáo sự kiện. Đây là những trường hợp không cần xin phép chủ sở hữu. Khi tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm, để xác định có thuộc trường hợp “đối xử công bằng” hay không sẽ do Toà án quyết định dựa vào từng trường hợp cụ thể. Toà án căn cứ vào các yếu tố như: việc sử dụng tác phẩm có ảnh hưởng đến thị trường của tác phẩm gốc hay không; nếu việc sử dụng tác phẩm như là một tác phẩm thay thế ảnh hưởng đến thu nhập của tác giả thì sẽ không phải là sự công bằng; số lượng sao chép có thích hợp hay không, có phù hợp với sự cần thiết để sao chép không; tầm quan trọng của các yếu tố này sẽ được xác định tuỳ vào từng trường hợp và giao dịch thực hiện [12].
 
   Luật Bản quyền Anh quy định khá cụ thể những vấn đề liên quan đến bản quyền cho TV và cơ quan lưu trữ. Các TV ở Anh dựa trên quy định của pháp luật về bản quyền và nguyên tắc “đối xử công bằng” xây dựng cho mình những quy chế cụ thể, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền sao chép. Có thể tham khảo một số quy định tại TV trường Đại học Leed [16] về việc minh hoạ trong giảng dạy. Một số lượng hạn chế bản sao của tác phẩm sẽ được sử dụng để minh hoạ một phần cho mục đích giảng dạy khi:
 
   - Chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết cho việc giảng dạy.
 
   - Chỉ sử dụng cho mục đích phi thương mại.
 
   - Trích dẫn nguồn (trừ khi không thể lấy ví dụ được).
 
   - Bản sao chép được đưa ra ngoài bởi người được nhận hướng dẫn.
 
   Một số lượng bản sao nhất định sẽ được cho phép phục vụ mục đích nghiên cứu phi thương mại và học tập cá nhân. Theo hướng dẫn của Hiệp hội tác giả 1965 [16]:
 
   - Được sao chép một bài viết từ chủ đề của một tạp chí (ngay cả khi bài viết đó là một chủ đề).
 
   - Sao chép một chương hoặc tối đa 5% (tuỳ theo khối lượng nào lớn hơn) của một cuốn sách hoặc một ấn bản tương tự.
 
   - Sao chép tối đa 10% của cuốn sách 200 trang.
 
   - Sao chép 10 trang một bài thơ hoặc truyện ngắn từ một tuyển tập.
 
   - Sao chép một biên bản trong báo cáo hồ sơ luật.
 
   NSD có thể làm một bản sao cho mình hoặc một bản sao cho người khác. Nguyên tắc đối xử công bằng sẽ không bao gồm việc làm nhiều bản sao, trừ khi có giấy phép hoặc được sự cho phép của chủ sở hữu.
 
   Nguyên tắc đối xử công bằng đối với những bài bình luận, đánh giá, nhận xét, NSD cũng được sao chép với số lượng hạn chế khi:
 
   - Thực sự cần thiết cho việc làm nổi bật văn bản.
 
   - Trích dẫn nguồn.
 
   - Đảm bảo sự công bằng với chủ sở hữu.
 
   - Áp dụng đối với tất cả phương tiện truyền thông, không chỉ riêng văn bản.
 
   * Hoạt động số hoá
 
    Ngoài nguyên tắc đối xử công bằng, các TV có thể tiến hành hoạt động số hoá tác phẩm đã công bố dựa trên giấy phép của cơ quan cấp phép bản quyền ở Anh (Copyright Licensing Agency - CLA). Sự tồn tại của cơ quan này giúp các chủ thể như TV đơn giản hoá những vấn đề về bản quyền, giúp cho những chủ thể được cấp phép thực hiện số hoá các tác phẩm đã được công bố vì mục đích thương mại một cách hợp pháp mà không cần sự cho phép trực tiếp từ chủ sở hữu, tránh mỗi lần số hoá phải xin phép từ tác giả, chủ sở hữu. Đồng thời, cơ quan này cũng giúp đảm bảo rằng chủ sở hữu bản quyền được trả thù lao đầy đủ cho việc sử dụng tác phẩm của họ. Đây là cơ quan phi lợi nhuận nên doanh thu sẽ được trả cho chủ sở hữu bản quyền. Cơ quan CLA cung cấp giấy phép phù hợp cho những trường hợp khác nhau cần số hoá. Giấy phép đối với TV được mua với mức phí 15 bảng Anh (+VAT). Tham khảo tại TV trường Đại học SOAS [17], giấy phép CLA cho phép sinh viên và nhân viên TV SOAS tiến hành sao chụp hoặc số hoá:
 
   - 10% hoặc một chương hoàn chỉnh của cuốn sách, cộng với bất kỳ ghi chú hoặc tài liệu tham khảo có liên quan nào. Ví dụ, nếu một chương chiếm 25% của cuốn sách thì NSD có thể sao chép một chương. Nhưng nếu muốn sao chép nhiều hơn một chương thì chỉ có thể sao chép 10% cuốn sách.
 
   - 10% hoặc một bài báo hoàn chỉnh từ một ấn bản của tạp chí, cộng với bất kỳ ghi chú hoặc tài liệu tham khảo nào có liên quan. Giới hạn này áp dụng đối với từng ấn bản, do đó NSD có thể sao chép một bài báo từ ấn phẩm đầu tiên và ấn phẩm thứ hai của tạp chí.
 
   - 10% hoặc một báo cáo từ một trường hợp tố tụng pháp lý.
 
   - 10% hoặc một tờ từ văn kiện hội nghị.
 
   - 10% tuyển tập truyện ngắn hoặc một câu chuyện ngắn hoặc một bài thơ không quá 10 trang.
 
    Đối với tài liệu được số hoá, mỗi sinh viên hoặc nhân viên của TV sẽ có một tài khoản để truy cập, tìm kiếm, xem trực tuyến hoặc xem trên phần mềm PDF. Tuỳ vào bộ sưu tập, NSD có thể được tải xuống (lưu trữ trong một thời gian nhất định), sao chép, in hoặc xuất trích dẫn. Trừ trường hợp có quy định khác trong điều khoản sử dụng, thông thường NSD có thể làm bản sao, in một chương hoặc tối đa 5% số trang (tuỳ số lượng nào lớn hơn) [15].
 
1.2.2. Nhật Bản
 
* Hoạt động cung cấp bản sao tài liệu
 
Luật Bản quyền 1970 ghi nhận tác giả được độc quyền sao chép tác phẩm của mình. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra những trường hợp giới hạn của QTG:
 
Thứ nhất,sao chép cho mục đích sử dụng cá nhân. NSD có thể sao chép nếu được sử dụng với mục đích cá nhân bằng máy sao chép tự động dùng nơi công cộng.
 
Thứ hai,ngoại lệ đối với TV. Theo Điều 31 Luật Bản quyền 1970 quy định TV Quốc hội hoặc các cơ sở như TV có mục đích cho công chúng sử dụng tư liệu như sách, báo, văn kiện theo quy định của Nghị định chính phủ. Trong các trường hợp sau, nếu không vì mục đích thương mại thì có thể dùng các tư liệu như: sách, báo, văn kiện của TV…
 
- NSD TV với mục đích nghiên cứu, khảo sát để cung cấp cho mỗi người một bản sao của một phần tác phẩm đã công bố.
 
- Nếu thấy cần thiết cho việc bảo tồn tư liệu của TV.
 
- Đáp ứng yêu cầu của TV khác để cung cấp bản sao của tư liệu với lý do như đã tuyệt bản nên khó có thể mua được tư liệu đó (sau đây trong điều này gọi là tư liệu đã tuyệt bản).
 
Tại TV trường đại học ở Nhật Bản sẽ có một máy photocopy để NSD tự mình thực hiện. Tại khu vực photo sẽ có thông báo về vấn đề bản quyền như trích điều luật quy định về sao chép trong hoạt động TV và lời cảnh báo “Tất cả NSD phải tuân thủ Luật Bản quyền khi sao chụp tài liệu”. Người photo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, phải tuân theo đúng Luật Bản quyền. Tỷ lệ sao chép tài liệu và mức phí sẽ do từng TV quy định. Nguyên tắc khi sao chép tài liệu (theo tham khảo quy định tại TV một số trường như: TV Đại học Kyoto, TV Đại học Rikkyo, TV Musashino, TV Đại học Keio) [13] như sau:
 
- Trước khi sao chép NSD sẽ điền thông tin vào “Đơn xin sao chép tài liệu”.
 
- Sao chép chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, học tập, sử dụng cá nhân.
 
- Số lượng trang sao chép nhỏ hơn một nửa số trang sách/ tạp chí. Đối với việc sao chép các bài báo trên một tạp chí, tạp chí đó phải được công bố trong thời gian hơn ba tháng.
 
- Mỗi NSD chỉ được cung cấp một bản sao.
 
- Các thiết bị sao chép cá nhân bị nghiêm cấm.
 
- Được phép sao chép toàn bộ luận văn nếu được sự đồng ý của tác giả.
 
- Tài liệu sao chép không được “sao chép lại” và phân phối lại cho người khác cho dù có lợi nhuận hay không.
 
- Đối với sao chép đĩa CD ROM hoặc E-Journals, NSD sẽ hỏi tại quầy lưu hành.
 
- Tài liệu quý hiếm và các tài liệu được chỉ định khác thì không được phép sao chụp.
 
* Hoạt động số hoá
 
TV tiến hành số hoá tuân theo những quy định chung của Luật Bản quyền để chuyển dữ liệu qua phương thức khác đảm bảo dễ dàng trong quá trình sử dụng và bảo quản tài liệu. TV số hoá nhằm hai mục đích chính đó là: xây dựng TV số và bảo quản đối với những tài liệu bị hư hỏng hoặc thiệt hại do sử dụng thường xuyên. Tham khảo tại TV Quốc gia Nhật Bản [14], những tài liệu mà TV có thể số hoá bao gồm: sách (trước năm 1968, các phần của cuốn sách liên quan đến động đất và thiên tai kể cả khi sách mua sau 1968); tạp chí định kỳ sau 5 năm xuất bản; sách hiếm và tài liệu cũ của Nhật Bản đến thời Edo và sách cũ của Trung Quốc đến triều nhà Thanh; luận án tiến sỹ và một số tài liệu khác như công báo, nhật báo, tài liệu chính trị…
 
Tại Nhật Bản, TV cho phép NSD có thể đọc tài liệu từ xa trên một máy tính có kết nối mạng và kết nối với mạng lưới của TV trường đại học hoặc OSL (Open Space Laboratory) và sẽ trả một khoản phí cho việc sử dụng này, nhưng phải tuân thủ Luật Bản quyền. NSD được cho phép xem tài liệu dưới dạng PDF (đọc toàn văn trên màn hình); nhưng không thể tải file PDF hoặc lưu file PDF vào máy tính cá nhân (không cho phép tải về); TV nghiêm cấm hành vi tái bản và phân phối (nghiêm cấm mọi hành vi sao chép).
 
2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động thư viện - thông tin tại các trường đại học
 
Khi TV thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần tuân thủ quy định pháp luật trong đó có quy định về QTG. Từ những phân tích ở trên, có thể thấy trong quá trình hoạt động TV còn gặp nhiều khó khăn như:
 
- Pháp luật quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của TV, đặc biệt là vấn đề sao chép và số hoá.
 
- Quy định của TV về vấn đề sao chép tài liệu hiện nay mang tính tạm thời, chưa thật sự hiệu quả để bảo hộ QTG.
 
- Người làm TV chưa nắm rõ các quy định pháp luật về QTG.
 
- Việc tuyên truyền pháp luật về QTG trong TV còn mang tính hình thức, thụ động, không liên tục.
 
Để TV chủ động hơn trong việc thực thi bảo hộ QTG, tác giả sau khi phân tích và tham khảo những bài viết có liên quan đưa ra một số kiến nghị như sau:
 
* Về quy định của pháp luật
 
Cần hoàn thiện những quy định về QTG để TV có những hướng dẫn cụ thể trong hoạt động sao chép và số hoá.
 
- Tại Điểm a Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, cần làm rõ khái niệm “tự sao chép” để có cách hiểu thống nhất trên thực tế giữa các TV và bổ sung mục đích “học tập cá nhân” cho hoạt động “tự sao chép” nêu trên vì mục đích học tập cá nhân chiếm phần lớn trong nhu cầu sử dụng của NSD hiện nay. Cho phép TV thực hiện sao chép “sử dụng hợp lý” tác phẩm cho nhu cầu học tập cá nhân với tỷ lệ nhất định (10-30%).
 
- Điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, sao chép để lưu trữ trong TV ngoài phục vụ mục đích nghiên cứu, pháp luật cần bổ sung thêm những mục đích khác như lưu trữ, bảo quản tài liệu quý hiếm hoặc hư hỏng... Bên cạnh đó, quy định rõ hình thức mà TV được phép sao chép dưới dạng truyền thống hay dưới dạng kỹ thuật số.
 
- Cần bổ sung các giới hạn, ngoại lệ dành riêng cho TV trong Luật Sở hữu trí tuệ (viện dẫn trong các văn bản quốc tế về sở hữu trí tuệ như Công ước Berne; các văn bản của IFLA, WIPO; một số giới hạn ngoại lệ dành cho TV của các nước phát triển như Anh, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia…).
 
- Sự cần thiết của việc sớm thông qua Luật TV, để điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến QTG trong hoạt động TV, bảo đảm lợi ích hài hoà giữa tác giả, chủ sở hữu QTG với NSD mà không xung đột với Luật Sở hữu trí tuệ.
 
* Về việc thực hiện quy định của pháp luật đối với TV
 
Trong việc sao chép tài liệu, TV cần phải tuân thủ pháp luật về QTG trong hoạt động này như sau:
 
- TV được phép sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm nhằm mục đích lưu trữ phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy của NSD dưới cả hai hình thức truyền thống và điện tử với điều kiện tác phẩm mà TV tiến hành sao chép đã mua bản quyền.
 
- TV nên tiến hành sao chép “đối xử công bằng” dành cho mục đích học tập với tỷ lệ nhất định (15%) mà không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (tức là không gây phương hại đến lợi ích kinh tế của tác giả, chủ sở hữu QTG).
 
- TV được phép sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm cho NSD khi họ chứng minh được mình là người nghiên cứu, giảng dạy (học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên…).
 
- Khi tiến hành việc sao chép, TV phải có cơ chế kiểm soát về định mức sao chép, số lần sao chép, tài liệu trong diện sao chép và thông tin của người sao chép để đảm bảo tuân thủ đúng theo nội quy TV và quy định pháp luật về QTG.
 
- TV được phép sao chép tài liệu ở miền công cộng, không thuộc phạm vi bảo hộ QTG (tức là các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không thuộc diện bảo bộ QTG).
 
- Để thực hiện tốt hơn trong việc bảo hộ QTG, TV cần:
 
+ Nắm vững kiến thức về QTG, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi, toạ đàm để tìm hiểu các quy định pháp luật về QTG dành cho người làm TV.
 
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về QTG tới NSD như đặt thông báo (trích điều luật về sao chép và hành vi xâm phạm QTG) để NSD biết và sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi sao chép. Bên cạnh đó, TV có thể phối hợp với phòng, khoa Luật tổ chức những buổi trao đổi về vấn đề QTG trong TV để NSD hiểu rõ hơn, hoặc tổ chức những cuộc thi, bài viết về vấn đề QTG trong TV. TV cũng cần cập nhật bài viết liên tục về vấn đề này lên trang web để NSD tham khảo, góp ý kiến.
 
+ Đưa nội dung về QTG trong hoạt động TV vào chương trình tập huấn cho NSD trước khi cấp tài khoản thành viên.
 
Trong việc số hoá tài liệu, TV cần phải tuân thủ pháp luật về QTG trong hoạt động này như sau:
 
- Số hoá các tài liệu có bản quyền khi và chỉ khi có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu QTG hoặc theo đúng quy định pháp luật về QTG.
 
- Chỉ số hoá tài liệu trong TV nhằm lưu trữ, phục vụ cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
 
- Ưu tiên số hoá tài liệu hết thời hạn bảo hộ nằm ở miền công cộng, tài liệu không thuộc đối tượng bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ, tài liệu nội sinh, tài liệu xám có tại TV vì các dạng tài liệu này dễ dàng liên hệ với tác giả, chủ sở hữu trong việc xin phép và không vi phạm bản quyền.
 
- Trong vấn đề số hoá, TV cần kết hợp áp dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát hiệu quả trong việc sử dụng tài liệu để NSD khai thác hợp pháp, hợp lý và hiệu quả.
 
- Khi số hoá tài liệu có bản quyền, ngoài việc xem xét các ngoại lệ, TV nên nhờ đến các tổ chức tập thể QTG (Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO) để dễ dàng hơn cho việc xin phép và trả phí bản quyền.
 
- TV nên dùng chung các cơ sở dữ liệu có bản quyền để giảm chi phí số hoá, đồng thời liên kết với các đơn vị khác trong việc trao đổi tài liệu có bản quyền, tránh việc số hoá lại tài liệu mà đơn vị khác đã có nhằm giảm bớt thời gian, công sức, kinh phí mà vẫn đảm bảo việc cung cấp tài liệu đến NSD một cách hợp pháp, tránh xâm phạm QTG.
 
 Bài viết của: Ngô Nguyễn Cảnh
(Thư viện Trường Đại học Luật  TP. HỒ Chí Minh)
 
Nguồn: https:/hvtc.edu.vn/

 

Các tin khác

Sách theo phân loại
Lịch phục vụ
Tầng 2
Thứ 2 đến thứ 5
Sáng: 7h15 - 11h15
Chiều: 13h30 - 16h45
Thứ 6:
Sáng: 7h15 - 11h15
Chiều: Không phục vụ
(CB tham gia xử lý nghiệp vụ)
Thứ 7, chủ nhật: Không phục vụ
Cơ sở dữ liệu